Server là gì? Những điều cần biết về Server
Đối với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin ngày nay, việc trang bị những bộ máy chủ (server) hiện đại hơn. Nhiều người ít nhiều đã từng nghe đến server nhưng chỉ biết qua loa rằng server là một chiếc máy chủ, còn máy chủ là máy như thế nào thì không hiểu cặn kẽ hết được.
Nếu không tìm hiểu kĩ về máy chủ, chắc hẳn bạn cũng đã tưởng tượng nhờ vào ngay cái tên “máy chủ” nó là cái máy gì rồi phải không? Sơ qua thì giống như một mô hình công ty vậy, có công ty con – công ty mẹ thì máy tính cũng vậy, có máy chủ (tương đương với công ty mẹ) và các máy tính cá nhân kết nối đến với máy chủ (tương đương với công ty con). Để cụ thể hơn thì hãy cùng Phong Vũ theo dõi các phần tiếp theo của bài viết này nhé.
Máy chủ là gì?
Máy chủ (Server) là một hệ thống bao gồm các chương trình máy tính (phần mềm) hay là một thiết bị có vai trò cung cấp các tài nguyên, dịch vụ và chức năng cần thiết cho các máy tính cá nhân khác có kết nối đến với máy chủ – được gọi là các client. Cấu trúc liên kết như vậy còn có thể gọi là cấu trúc server-client, các cilent kết nối với máy chủ thông qua giao thức Internet Protocol (IP) hay hiểu đơn giản hơn là chúng kết nối với nhau trong cùng một mạng máy tính.
Các server có thể chạy trên một hay nhiều máy tính chuyên dụng phụ thuộc vào quy mô hoạt động của tổ chức có nhiều hay ít thông tin, dữ liệu cần sử dụng. Về cơ bản thì máy chủ cũng như là một máy tính, nhưng thiết kế với nhiều tính năng vượt trội hơn như năng lực lưu trữ lớn, tốc độ xử lỹ dữ liệu nhanh hơn những máy tính thông thường.
Ví dụ: trong một văn phòng có 10 máy tính, nếu mỗi máy tính độc lập muốn in ấn một cái gì đấy thì mỗi máy đó phải tự kết nối đến máy in hay phải cài driver cho 10 máy, chưa kể còn phải rút ra rút vào dây cáp kết nối giữa máy in và máy tính nhiều lần. Nhưng sử dụng server thì chúng ta không cần phải làm thế, chỉ cần kết nối máy in với máy chủ rồi nối mạng tất cả các máy còn lại với máy chủ là các máy cá nhân kia không cần phải in độc lập nữa.
Có những loại máy chủ nào
Cơ sở để phân loại các loại máy chủ là dựa theo phương pháp chế tạo ra máy chủ, ta có 3 loại máy chủ thường gặp sau:
– Máy chủ riêng (Dedicated): là máy chủ chạy trên phần cứng và các thiết bị hỗ trợ riêng biệt gồm: HDD, CPU, RAM, Card mạng,… hay còn gọi với cái tên khác là Máy chủ vật lý. Việc nâng cấp hoặc thay đổi cấu hình của máy chủ riêng đòi hỏi phải thay đổi phần cứng của máy chủ, việc này cần những người có kiến thức chuyên sâu về phần cứng và máy chủ mới có thể đảm bảo được những linh kiện tạo ra máy chủ.
– Máy chủ ảo (Virtual Private Server – VPS): là loại máy chủ được tách từ máy chủ vật lý kể trên ra bằng phương pháp sử dụng công nghệ ảo hóa. Từ một máy chủ riêng, có thể tách được thành nhiều máy chủ ảo khác nhau có chức năng như máy chủ vật lý và chia sẻ tài nguyên trên máy chủ vật lý gốc.
– Máy chủ đám mây (Cloud Server): là máy chủ được kết hợp từ nhiều máy chủ vật lý gốc khác nhau cùng với hệ thống lưu trữ SAN và máy chủ đám mây được xây dựng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây.
Vai trò của máy chủ
Vai trò chính của Server là lưu trữ,cung cấp và xử lý dữ liệu rồi chuyển đến các máy trạm liên tục 24/7 cho người dùng hay một tổ chức qua mạng LAN hoặc internet. Máy chủ được thiết kế để có thể chạy liên tục trong thời gian dài và chỉ tắt đi khi có sự cố gì đó cần bảo trì.
Đối với doanh nghiệp thì máy chủ là bộ phận quan trọng nhất trong việc lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành những phần mềm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần tối ưu phần cứng cho hệ thống Server mà không cần thiết phải đầu tư nhiều vào các máy trạm cá nhân khác.
Đối với những người dùng đơn lẻ, Server cũng đóng vai trò là bộ phận lưu trữ, vận hành chính những dữ liệu của một hệ thống ví dụ như những người làm website thì bắt buộc phải thuê máy chủ hosting hay những hộ kinh doanh quán net cũng bắt buộc phải sử dụng máy chủ để kết nối đến với các máy trạm khác.
Lời kết
Phong Vũ mong rằng với những thông tin vừa cung cấp bên trên, đã phần nào giúp các bạn hiểu rõ hơn được về Server là gì. Nếu bạn đang muốn thành lập một doanh nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ điện tử công cộng, hay chỉ đơn giản hơn là muốn tạo một website riêng cho bản thân thì bạn nên dành sự quan tâm đầu tiên của mình về server – máy chủ trước nhé.