Những lý do bạn nên sử dụng ổ cứng SSD

Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ, hàng loạt thế hệ phần cứng đời mới được ra đời để thích ứng với những nhu cầu ngày một cao của người tiêu dùng. Ổ cứng SSD đã trở thành một lựa chọn sáng giá cho các hệ thống từ tầm trung đến cao cấp. Vậy, SSD là gì, và tại sao bạn nên nâng cấp lên ổ SSD ?

SSD (Solid State Drive) là một loại ổ cứng thể rắn, được các chuyên gia về phần cứng nghiên cứu và chế tạo nhằm cạnh tranh với các ổ cứng HDD truyền thống, cải thiện về sức mạnh tốc độ, nhiệt độ, độ an toàn dữ liệu và cả về điện năng tiêu thụ. Là loại ổ cứng được cấu thành từ nhiều chip nhớ Non-volatile memory chip (chip nhớ không thay đổi), ổ cứng SSD ghi và lưu dữ liệu trong các chip flash, nhờ vậy việc truy xuất dữ liệu gần như được diễn ra ngay tức khắc cho dù ổ cứng có bị phân mảnh sau một thời gian sử dụng.

Có hai loại chip nhớ được sử dụng nhiều nhất trong chế tạo ổ SSD: Bộ nhớ NAND SLC (Single-Level Cell) – ô nhớ một cấp thường được các doanh nghiệp sử dụng vì giá thành cao hơn (3 USD/GB) và NAND MLC (Multi-Level Cell) – ô nhớ đa cấp được người dùng thông thường sử dụng (~1 USD/GB). Trong đó, các chip SLC chỉ lưu giữ 1 bit/transistor (0 hoặc 1), còn chip MLC lại chứa 2 bit/ transistor (00, 01, 10 và 11). Vì vậy, lượng dữ liệu lưu trữ của chip MLC nhiều gấp hơn đôi chip SLC, nhưng tốc độ đọc trung bình lại chậm hơn hai lần (2x) và tốc độ ghi sẽ chậm hơn ba lần (3x) trên một tế bào bộ nhớ NAND.

Bên cạnh khả năng truy xuất dữ liệu tốc độ cao, ổ cứng thể rắn SSD còn có độ bền tốt. Hiện tại, mỗi chip MLC có thể ghi/xóa 10.000 lần, còn tuổi thọ của chip SLC lên đến 100.000 lần. Ngoài ra, các nhà phát triển phần cứng cũng đã chế tạo thành công loại chip NAND TLC (Triple-Level Cell) nhưng hiện nay vẫn có rất ít sản phẩm sử dụng chip này xuất hiện trên thị trường phổ thông. Tuy TLC là loại chip có khả năng lưu trữ cao hơn hết (3 bit/transistor) nhưng lại thuộc loại kém bền nhất, chỉ đạt tối đa 1000 lần ghi/xóa tức kém hơn loại SLC 100 lần (hiện có ở laptop Samsung 840) và cũng không được người dùng ưa chuộng.

SSD tỏ ra vượt trội so với ” người anh” HDD của mình về sự tương thích với các cấu hình hiện đại, dưới đây là một vài điểm mạnh của các thiết bị SSD trên thị trường.

SSD mát hơn

Vì không có các phần chuyển động, SSD không tạo ra nhiều nhiệt như HDD. Điều này rất quan trọng nếu bạn thường làm việc cùng lúc trên nhiều phần mềm hay sống ở nơi có nhiệt độ môi trường cao, vì nó thường khiến ổ cứng bị nóng.

SSD có nhiệt độ hoạt động thấp hơn nhiều so với các ổ cứng HDD
SSD có nhiệt độ hoạt động thấp hơn nhiều so với các ổ cứng HDD

SSD bớt ồn

Cũng chính vì không có phần chuyển động nên sẽ không có tiếng kêu từ máy tính hay nơi đặt ổ. Có lẽ bạn sẽ nghe thấy tiếng quạt gió nhưng cũng sẽ không quá thường xuyên.

SSD tuổi thọ lâu hơn

Theo 1 báo cáo thì 4 đến 10% ổ SSD 4 năm mới phải thay 1 lần, nhưng 2 đến 9% ổ HDD phải thay hàng năm. Điều này có nghĩa là SSD là lựa chọn đáng tin cậy hơn để lưu trữ ảnh hay các dữ liệu kỹ thuật số khác.

SSD nhanh hơn

Tốc độ ghi của SSD có thể lên tới 3.200 MB/s trong khi HDD chỉ có thể ghi tối đa từ khoảng 160 tới 250 MB/s. Với đa số mọi người thì tốc độ đọc/ghi không phải vấn đề quan trọng nhưng nếu làm các việc nặng như chỉnh sửa video hay soạn nhạc thì có thể HDD sẽ không tải được mà phải chọn SSD.

Với thế hệ SSD mới, thiết bị sẽ có một tốc độ cao và ổn định hơn rất nhiều so với thế hệ ổ HDD
Với thế hệ SSD mới, thiết bị sẽ có một tốc độ cao và ổn định hơn rất nhiều so với thế hệ ổ HDD

SSD bền hơn

Không có các phần chuyển động nghĩa là sẽ khó vỡ hơn. Ngoài ra SSD cũng nhẹ hơn.

SSD không bị ảnh hưởng bởi từ tính

HDD dùng từ tính để lưu trữ dữ liệu nên nếu đặt trong vùng từ tính mạnh thì dữ liệu có thể bị hỏng. Tuy không phải vấn đề lớn với hầu hết mọi người nhưng hãy chọn ổ SSD nếu bạn đến nơi có mức độ từ tính cao.

SSD ít tốn điện hơn

HDD cần điện để quay đĩa nhưng SSD chỉ có các bảng mạch bên trong. Kết quả là SSD không cần nhiều điện như HDD. Dù không tiết kiệm được nhiều tiền vì điều này nhưng cũng khiến SSD là lựa chọn thân thiện với môi trường hơn, đặc biệt là khi nhân lên với số dữ liệu lưu trữ.

Dù đang là công nghệ lưu trữ tốt nhất hiện nay nhưng SSD cũng không phải là hoàn hảo. Để đảm bảo an toàn, hãy nhớ luôn sao lưu dữ liệu nhiều nơi.

Western Digital, Samsung, Kingston là những hãng sản xuất SSD tốt nhất ở thời điểm hiện tại