Bluetooth là gì? Các chuẩn kết nối của bluetooth

Ngày nay, hầu hết ai cũng sở hữu ít nhất một thiết bị với những tính năng thông minh. Trong đó, có một tính năng mà đã được áp dụng từ lâu trên chính những chiếc điện thoại đời cũ – đó chính là công nghệ Bluetooth. Nhưng bluetooth là gì thì không phải ai cũng biết và hiểu rõ về nó.

bluetooth là gìBluetooth là gì?

Chắc hẳn bạn đã nghe đến các cụm từ “sóng Wifi” hoặc “sóng Bluetooth” thì cũng đã mường tượng ra được Bluetooth là gì rồi phải không. Cụ thể hơn, công nghệ Bluetooth sử dụng sóng Radio có tần số 2,4 Ghz. Đây là công nghệ giúp trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị điện tử với nhau trong khoảng cách ngắn mà không cần sử dụng cáp sợi truyền thống.

Bluetooth là gì

Wifi và Bluetooth cùng sử dụng một tần số 2,4Ghz nhưng giữa chúng lại không có xung đột gì bởi vì Bluetooth sử dụng tần số có bước sóng ngắn hơn Wifi. Vì là một công nghệ có tiêu chuẩn nhất định nên khi sản xuất các thiết bị điện tử, nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật chung để tạo ra sự tương thích giữa các sản phẩm. Chính vì thế nếu bạn sử dụng các thiết bị điện tử, bạn có thể thấy là cho dù 2 thiết bị được sản xuất bởi các hãng khác nhau nhưng cùng được trang bị tính năng Bluetooth thì vẫn có thể sử dụng nó để trao đổi dữ liệu giữa 2 máy mà không gặp phải trục trặc gì.

Sơ qua lịch sử phát triển của Bluetooth

Đầu tiên, về tên gọi của công nghệ không dây này thì nó được đặt theo tên của một vị vua Đan Mạch có tên là Harald Bluetooth – là vị vua nổi tiếng về khả năng thương lượng và giao tiếp với mọi người.

bluetooth là gì

Bluetooth được phát triển đầu tiên bởi một kỹ sư điện tử của Ericcson vào năm 1994. Sau đó, nó được chuẩn hóa bởi Bluetooth Special Interest Group (SIG) – là một tổ chức được thành lập bởi các hãng sản xuất điện tử nổi tiếng Ericcson, IBM, Intel, Nokia, Toshiba và sau này có sự tham gia của Microsoft, Lenovo và Apple. Chức năng của tổ chức là giám sát việc phát triển các tiêu chuẩn Bluetooth và cấp phép cho các nhà sản xuất công nghê không dây này. Công nghệ Bluetooth chính thức được chuẩn hóa rồi được công bố rộng rãi vào ngày 20/5/1999 và nhanh chóng trở nên phổ biến chỉ sau vài năm.

Các chuẩn kết nối Bluetooth

Các chuẩn kết nối Bluetooth từ trước tới giờ gồm:

– Bluetooth 1.0 và 1.0B: đạt tốc độ xấp xỉ 1Mbps nhưng công nghệ này lại gặp nhiều vấn đề về khả năng tương thích

– Bluetooth 1.1: Đây là bản được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn IEEE 802.15 và là phiên bản sửa lỗi của phiên bản 1.0 nhưng không thay đổi tốc độ.

– Bluetooth 1.2: phiên bản được cải thiện hơn về việc làm giảm thời gian dò tìm và tăng tốc độ kết nối hơn so với 1.1 lên tới 721kbs/s

– Bluetooth 2.0 + EDR: là phiên bản được công bố năm 2004. Đây là phiên bản lần đầu tiên giới thiệu công nghệ EDR (Enhanced Data Rate) giúp tăng tốc độ truyền dữ liệu. Tốc độ chuẩn của Bluetooth 2.0 + EDR lên tới 2.1 Mbps và giảm một nửa lượng tiêu thụ năng lượng so với phiên bản trước.

– Bluetooth 2.1 + EDR:  đây là phiên bản nâng cấp của 2.0 với sự cải thiện về hiệu năng và tiết kiệm năng lượng hơn so với những phiên bản trước. Một nhược điểm của phiên bản này là nó không cho phép truyền những file có dung lượng lớn (khoảng 1GB trở lên), thế nên nếu muốn chuyển những file có dung lương từ 1 đến 2GB trở lên giữa các thiết bị thì chỉ có thể dùng cáp sạc USB để truyền.

– Bluetooth 3.0 + HS: phiên bản này được SIG công bố vào ngày 21/4/2009 với sự tốc độ truyền tải dữ liệu lên tới 24Mbps. Ngoài ra, phiên bản này giúp các thiết bị tương tác tốt hơn, tăng khả năng kết nối và tiết kiệm năng lượng hơn nhờ chức năng điều khiển năng lượng nâng cao.
bluetooth là gì

– Bluetooth 4.0 + LE: SIG công bố phiên bản 4.0 vào ngày 30/6/2010 là sự kết hợp giữa Classic Bluetooth, Bluetooth high speed và Bluetooth Low Energy . Phiên bản này giúp những thiết bị kết nối với nhau nhanh hơn với công nghệ Bluetooth HS và tiết kiệm năng lượng hơn so với các phiên bản trước bằng công nghệ Bluetooth LE. 

– Bluetooth 4.1: tiếp theo phiên bản 4.0 là phiên bản 4.1 được SIG công bố vào ngày 4/12/2013. Phiên bản có cải tiến lớn đáng chú ý:

Cải thiện tình trạng chồng chéo tín hiệu: tín hiệu của Bluetooth 4.0 và mạng 4G sẽ bị chồng lấn lên nhau nếu bật bluetooth trong phạm vi có sóng 4G. Phiên bản 4.1 đã cải thiện tình trạng này bằng cách nó phối hợp tự động với sóng 4G luôn mà không có sự riêng biệt nào giữa 2 luồng tín hiệu.

Khả năng kết nối thông minh: Bluetooth 4.1 sẽ cho phép các nhà sản xuất có thể xác định khoảng thời gian kết nối trở lại sau thời gian chờ trên các thiết bị của họ.

Cải thiện khả năng truyền dữ liệu: các thiết bị điện tử khi sử dụng Bluetooth 4.1 khi giao tiếp thì chúng sẽ giao tiếp độc lập mà không phải phụ thuộc vào trung tâm điều khiển.

– Bluetooth 4.2: được công vào ngày 2/12/2014 với những đặc tính được cải tiến gồm tăng tốc độ lên 2.5 lần; tăng mức độ bảo mật và tiết kiệm năng lượng hơn với gói dữ liệu mở rộng; bảo mật đường truyền liên kết với bộ lọc mở rộng hay hỗ trợ kết nối internet với giao thức IPv6 (Internet Protocol version 6).

– Bluetooth 5.0: đây là phiên bản mới nhất được SIG trình làng vào ngày 16/6/2016. Những cải tiến đáng kể như Bluetooth 5.0 có độ phủ sóng rộng gấp 4 lần, tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp đôi và tiết kiệm hơn gấp 2.5 lần so với 4.0

bluetooth là gì

Thiết bị đầu tiên vận hành công nghệ Bluetooth 5.0 là Smartphone Samsung Galaxy S8 vào tháng 4 năm 2017. Tiếp đó, tháng 9 cùng năm thì các sản phẩm iPhone mới nhất của Apple là iPhone 8, 8 Plus, và iPhone X cũng được hỗ trợ Bluetooth 5.0.

Công dụng của Bluetooth

Với công nghệ không dây tiên tiến này, Bluetooth đã đem lại nhiều hữu ích mà mọi người vẫn thường biết tới về nó.

– Cho phép các thiết bị kết nối được với nhau để trao đổi thông tin giữa chúng. Ví dụ như điện thoai di động với nhau, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy in, các thiết bị dùng định vị GPS,…

– Giao tiếp và điều khiển giữa một thiết bị di dộng với tai nghe không dây (tai nghe bluetooth).

– Trở thành đường truyền kết nối không dây giữa các thiết bị vào – ra của máy tính như chuột – bàn phím không dây.

– Ứng dụng trong các thiết bị điều khiển từ xa như bộ điều khiển đồ chơi, điều khiển tivi, điều hòa,…

– Kết nối internet cho máy tính bằng cách biến smartphone làm modem.

– Được thay thế cho tia hồng ngoại.

Lời kết

Như vậy qua bài viết này, các bạn đã hiểu thêm được Bluetooth là gì và công dụng của nó như thế nào rồi phải không. Phong Vũ tin rằng, trong tương lai Bluetooth không chỉ dừng lại ở phiên bản 5.0 mà sẽ còn được cải tiến hơn với những tính năng ưu việt hơn trong mảng công nghệ không dây.